HƠI THỞ THIÊN CHÚA Sách Sáng Thế viết: Lúc đầu, địa cầu lạnh lẽo và trống không. Thiên Chúa chưa cho mưa xuống. Giờ đây Ngài dựng nên con người, và để làm chuyện đó, Ngài lấy „bụi đất và thổi hơi sự sống vào mũi, nhờ vậy con người trở thành vật sống động“. Hơi sự sống – có phải là câu trả lời cho ta về phát nguyên của con người? Tôi tin đó là một hình ảnh hết sức lớn và là một tiên đoán quan trọng về con người. Theo đó, con người bắt nguồn từ đất và từ các khả thể của đất. Đoạn phim này ta cũng có thể đọc nó như một thứ tiến hoá. Nhưng không chỉ có thế mà thôi. Một thứ gì nữa đã được thêm vào; nó chẳng phải là đất mà cũng không thể tự phát triển thêm, nhưng là một cái gì hoàn toàn mới: và đó chính là hơi thở Thiên Chúa. Cơ bản của bức tranh trên là tính hai mặt của con người. Con người vừa thuộc vào vũ trụ, vừa trực tiếp với Chúa. Đức tin Ki-tô giáo cho hay, điều được thông báo cho con người đầu tiên ở đây cũng có giá trị cho từng người một. Nghĩa là mỗi người là một sinh vật, nhưng đồng thời nó còn có cái gì hơn là một sản phẩm gồm những di tử (Gene) và chuỗi DNA, nó là cái gì đến trực tiếp từ Thiên Chúa. Con người mang hơi thở Thiên Chúa. Nó có thể giống Thiên Chúa, nó có thể vượt lên trên vật chất, vượt lên trên cái được tạo thành. Nó là thứ có một không hai. Nó được Thiên Chúa đoái hoài và được xếp một cách đặc biệt vào cùng loại với Ngài. Qua con người, quả thật một hơi thở mới, hơi thở Thiên Chúa, đã đi vào tạo dựng. Có nhìn con người là tạo vật đặc thù của Chúa như thế, ta mới thấy được nét độc nhất và phẩm giá của nó, và qua đó, mới nhận ra được nền tảng của mọi nhân quyền. Có như thế, con người mới có được sự kính trọng đối với chính mình và với kẻ khác. Nó mang hơi thở của Chúa. Nó biết rằng, nó không chỉ là một kết hợp các vật liệu kiến trúc, mà còn là một ý nghĩriêng tư của Thiên Chúa. Con người đầu tiên được Chúa thở hơi mang tên Adam,theo tiếng Hi-lạp nghĩa là người, đồng thời cũng là Adama, một lối chơi chữ, có nghĩa là đất. Sách ghi, Thiên Chúa đã lập nên một mảnh vườn trong địa đàng cho con người đó. Có phải hình ảnh biểu trưng đó đã nói lên mục đích sinh thành của con người? Hẳn nó cho chúng ta biết về chuyện đó. Vườn biểu tượng cho tạo dựng lành lặn và cuộc sống an toàn. Trong đó tạo dựng không bị phá hoại hay bị lợi dụng, nhưng được chăm sóc và che chở - và được tiếp tục hình thành về mặt tinh thần. Hình ảnh đó nói lên tất cả tầm xa, nét tươi vui và sự chở che trong tạo dựng. Nó cho hay, Chúa muốn cho ta sống hài hoà với tạo dựng và được sống an toàn bên Ngài. Như thế, nó cho thấy hai khía cạnh nơi con người: là kẻ canh giữ tạo dựng, đồng thời có quan hệ trực tiếp với Chúa, để có thể nhờ Ngài và cùng với Ngài chia sẻ gánh tạo dựng. Sách Khởi-nguyên cho thấy tạo dựng là một tiến trình. Mọi chuyện được hình thành từng bước. Và trong tiến trình đó Chúa nhận thấy „con người ở một mình không tốt. Ta muốn giúp nó có đối vật để hỗ trợ nó“. Vì thế Ngài đã dùng đất tạo ra muôn thú trên đồng và muôn chim trên trời và đưa chúng cho con người, để xem con người muốn đặt tên gì cho chúng. Một cơ hội tốt để nói về thú vật, là loài sống gần với ta. Adam đặt cho mỗi loài một tên. Ta có được phép sử dụng thú vật và ăn thịt chúng không? Đây là một câu hỏi rất nghiêm túc. Rõ ràng loài vật được trao cho ta canh giữ, và ta không được đối xử một cách tuỳ tiện với chúng. Cả loài thú cũng là tạo vật của Chúa, tuy chúng không được tạo ra trực tiếp như con người, nhưng vẫn là những vật do Ngài muốn, và ta phải quý trọng chúng như là những kẻ đồng hành và như những thành tố quan trọng của tạo dựng. Về câu hỏi có được phép giết và ăn thịt thú không, đã có câu trả lời lạ lùng trong Kinh Thánh. Theo đó, thoạt tiên của ăn của loài người là cây cỏ. Chỉ sau khi xẩy ra nạn hồng thuỷ, nghĩa là sau cuộc đứt đoạn mới giữa con người với Chúa, Ngài mới để cho con người tự quyết định việc ăn thịt thú vật. Điều này có nghĩa là, ăn thịt thuộc vào trật tự hạng hai và nó cũng chỉ được thông báo về sau. Dẫu sao, nếu việc ăn thịt thú có làm buồn lòng một người nào, ta cũng không nên để mình trở nên môn đồ của phái thờ thú vật. Nghĩa là con người cũng được phép ăn thịt thú. Không ai cấm họ dùng thú làm của ăn, nhưng khi làm điều đó, họ nên giữ lòng quý trọng thú vật. Còn cái lối dùng thú như kĩ nghệ làm, như nhồi nhét cho ngan ăn để có gan lớn, hay khoá gà trong chuồng biến chúng thành những con vật dị hợm, cái lối hạ sinh vật xuống thành hàng hoá đó, tôi cho rằng phản lại sự tương thuộc giữa người và thú, như Kinh Thánh đã chỉ cho ta thấy. Thế giới thú vật quả là một tạo dựng đầy man rợ. Ai cũng biết, có những loài thú có thể bất cứ lúc nào cũng săn đuổi, cắn xé và giết đồng loại. Con nào thoát, con đó thật sự có được cơ hội lớn để huỷ diệt con khác. Quả là một ẩn số của tạo dựng, khi xem ra trong tạo dựng có sự hiện diện của quy luật bạo tàn. Nhà văn công giáo Reinhold Schneider, người vốn có khuynh hướng suy nhược thần kinh, đã lột trần mọi cái khủng khiếp trong thiên nhiên và trong thế giới loài thú ra cùng với cái nhìn thật chi li của một con người đau khổ. Và ông đã tuyệt vọng về Chúa và về tạo dựng. Giáo Hội vẫn luôn tin rằng, sự rối loạn của tội tổ tông ảnh hưởng cả lên tạo dựng. Nó khiến cho tạo dựng không còn phản ảnh í định trong suốt của Thiên Chúa nữa. Nó làm cho mọi thứ, một cách nào đó, bị biến dạng. Thành ra chúng ta đứng trước những bí ẩn. Dù sao, thế giới loài vật cũng đã gợi lên cho ta thấy trước những nguy hại có thể có nơi con người.
|